TRƯỜNG THPT BÃI CHÁY

CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG BÃI CHÁY

GIAI ĐOẠN 2014 - 2019, TẦM NHÌN 2025

 

(Kế hoạch số 20/KHCL-THPTBC được Sở GD&ĐT Quảng Ninh phê duyệt ngày 14/2/2014)

Kế hoạch chiến lược phát triển trường Trung học phổ thông Bãi Cháy giai đoạn 2014 đến 2019, tầm nhìn 2025 xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hội đồng trường và hoạt động của Ban Giám hiệu cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược của trường Trung học phổ thông Bãi Cháy là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị Quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cùng các trường trung học phổ thông trong tỉnh, Trung học phổ thông Bãi Cháy quyết tâm xây dựng trường Trung học phổ thông Bãi Cháy nói riêng và ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh nói chung phát triển theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

A. CĂN CỨ XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC

        I. Cơ sở pháp lý

- Luật giáo dục của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 38/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12, Luật số 74/2014/QH13.

- Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường trung học phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

- Căn cứ Quyết định số 269/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ v/v Phê duyệt "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020".

- Căn cứ Quyết định số 619/QĐ-UBND ngày 05/3/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh v/v phê duyệt chiến lược phát triển thành phố Hạ Long đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

- Căn cứ Quyết định số 701/QĐ-UB ngày 18/10/1976 của Ủy nam nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc thành lập trường cấp 2-3 Bãi Cháy, nay là trường Trung học phổ thông Bãi Cháy.

II. Cơ sở thực tiễn

  1. Sơ lược lịch sử đặc điểm nhà trường

Trường Trung học phổ thông Bãi Cháy thành lập từ năm học 1976 – 1977 với nhiệm vụ đào tạo trình độ học vấn trung học phổ thông cho con em nhân dân lao động ở các phường, xã phía Tây thành phố Hạ Long là Bãi Cháy, Hùng Thắng, Giếng Đáy, Tuần Châu, Hà Khẩu, Việt Hưng và Đại Yên. Đây là một ngôi trường mang tên một vùng đất nổi tiếng về du lịch, gắn liền với di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long, một vùng đất nhiều tiềm năng phát triển với những khu công nghiệp lớn có thương hiệu không chỉ ở trong nước mà còn đối với thế giới như Công ty đóng tầu Hạ Long, Công ty gốm sứ xây dựng VIGLACERA Hạ Long, Cảng Quảng Ninh, Công ty xăng dầu B12, …

2. Điểm mạnh.

- Nhà trường được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đóng trên địa bàn.

- Công tác tổ chức quản lý của Ban lãnh đạo nhà trường: Có tầm nhìn khoa học, sáng tạo, kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn có tính khả thi, sát thực tế. Công tác tổ chức triển khai đánh giá sâu sát, thực chất và đổi mới. Được sự tin tưởng cao của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

- Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường có 92 người, trong đó: Ban giám hiệu: 04, giáo viên: 77, nhân viên: 11.

- Trình độ chuyên môn: 100% đạt chuẩn, trong đó có 17 thạc sĩ, đạt tỉ lệ 20,99%.

- Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đoàn kết nhất trí, chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt các cuộc vận động do ngành và địa phương phát động. Trong chuyên môn, giáo viên đã từng bước thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

- Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có trách nhiệm, yêu nghề, gắn bó với nhà trường mong muốn nhà trường phát triển, chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm đa số đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

- Phong trào thi đua giảng dạy, học tập trong trường ngày càng sôi nổi, đi vào chiều sâu. Hằng năm có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, một số năm có giải học sinh giỏi quốc gia.

-  Các đoàn thể trong nhà trường hoạt động tốt, kết quả các năm tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên đều đạt vững mạnh. Chi bộ Đảng nhà trường luôn đạt chi bộ trong sạch vững mạnh.

- Cơ sở vật chất:

+ Phòng học: 30

+ Phòng thực hành: 03 (Phòng Hóa học, phòng sinh học, phòng Vật lí-Công nghệ)

+ Phòng Thư viện: 01, trong đó có 01 kho sách và phòng đọc sách dành cho học sinh - giáo viên.

+ Phòng tin học: 03 với 50 máy đã được kết nối Internet.

+ Phòng học Ngoại ngữ: 04 với bục giảng điện tử và bảng thông minh.

+ Nhà tập đa năng: 01 (350m2)

+ Phòng ban giám hiệu, công đoàn, đoàn thanh niên và các phòng phục vụ: 09

Cơ sở vật chất bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên vẫn còn thiếu một số trang thiết bị theo quy định của Điều lệ trường trung học phổ thông và một số trang thiết bị chưa đồng bộ.

Sau một quá trình hoạt động, trường Trung học phổ thông Bãi Cháy đã có những bước phát triển đáng kể, không chỉ về quy mô mà còn cả về chất lượng Giáo dục – Đào tạo. Cùng với sự phát triển mạnh của địa phương, nhà trường đã phát triển đến một quy mô ổn định với tổng số lớp mỗi năm học từ 29 đến 30 lớp với trên 1.100 học sinh; từ mái trường này, hàng năm có trên 400 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có khoảng trên 45% số học sinh lớp 12 trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng để được đào tạo thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Trên lĩnh vực dạy và học, trường Trung học phổ thông Bãi Cháy thuộc nhóm trường có chất lượng khá trong khối các trường trung học phổ thông của tỉnh Quảng Ninh, hàng năm ngoài việc tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cao, nhiều học sinh trúng tuyển vào đại học và cao đẳng, hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi của trường ngày càng đi vào nề nếp và số học sinh dự thi học sinh giỏi, đoạt giải qua các kỳ thi chọn học sinh giỏi của tỉnh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Trên các lĩnh vực giáo dục khác, trường Trung học phổ thông Bãi Cháy là một đơn vị mạnh của tỉnh Quảng Ninh. Từ mái trường này, đã có nhiều học sinh đoạt giải cao ở các cuộc thi Tiếng hát học sinh trung học phổ thông của tỉnh và toàn quốc, đóng góp cho đất nước những tài năng ca nhạc như Hồ Quỳnh Hương, Nguyễn Trang Nhung, … Trường cũng đóng góp cho tỉnh Quảng Ninh nhiều học sinh có năng khiếu về thể thao để tham gia các cuộc thi thể thao, tham gia Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc và nhiều em trong số đó đã đoạt giải cao.

Đến nay, nhiều thế hệ học sinh của trường đã trưởng thành, sau khi được tiếp tục đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng đã về tỉnh công tác, là lực lượng lao động quan trọng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh.

3. Điểm hạn chế

Đội ngũ giáo viên, nhân viên: Một số giáo viên chưa có nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy, mới coi trọng giảng dạy kiến thức môn học mà chưa có sự tích hợp cao trong việc giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng ứng xử và giáo dục toàn diện đối với học sinh.

Chất lượng học sinh: Một bộ phận học sinh chưa tự giác, ý thức học tập, rèn luyện chưa tốt, chưa nỗ lực vượt khó trong học tập. Mặt khác, do ảnh hưởng từ các mạng thông tin và một số biểu hiện tiêu cực bên ngoài tác động khiến cho một số học sinh chưa có nhận thức sâu sắc về giá trị sống, về văn hoá ứng xử, và về kĩ năng sống nên kết quả nhìn chung chưa cao.

Một bộ phận phụ huynh học sinh còn phó mặc trách nhiệm dạy bảo con em mình cho nhà trường và xã hội.

Cơ sở vật chất đã đủ số phòng học, phòng làm việc nhưng đã xuống cấp, bàn ghế đã cũ và hỏng, một số máy chiếu, máy vi tính đã hết khấu hao không sử dụng được. Các thiết bị, hóa chất trong phòng thực hành có một số không đồng bộ, một số đã hỏng không khắc phục được hoặc đã hết hạn sử dụng.

4. Xác định các vấn đề ưu tiên.

Áp dụng các chuẩn đánh giá cán bộ quản lý – giáo viên – nhân viên và các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục trường học để xác định mức độ phát triển, tiến bộ về kết quả của nhà trường về công tác quản lý, giảng dạy, giáo dục học sinh. Từ đó đề ra những giải pháp khả thi thúc đẩy nhà trường phát triển đúng hướng.

Nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Tổ chức linh hoạt, đa dạng các hoạt động tập thể. Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh. Thực hiện dạy chữ đi đôi với dạy người.

Ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng đa dạng các phương pháp truyền thống và hiện đại trong dạy – học và công tác quản lý.

5. Đánh giá chung

Được sự quan tâm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, của chính quyền địa phương và của toàn xã hội, trong những năm qua nhà trường đã tạo ra những bước tiến đáng kể trong dạy và học.

Cơ sở vật chất được hoàn thiện, khang trang, thuận lợi.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng, chất lượng ngày càng nâng cao. Được xã hội và phụ huynh quan tâm. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục thì đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng cần phải được bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ quản lý cũng như trình độ chuyên môn. Đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, tin học để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.

Kiến thức, trình độ, năng lực hiểu biết của hầu hết học sinh nhà trường đều tiến bộ và toàn diện hơn, chất lượng mũi nhọn có những bước tiến mới, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng nâng cao về chất lượng và số lượng, công tác xã hội hoá giáo dục được phụ huynh học sinh, xã hội ủng hộ tích cực.

Quá trình công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế, nhu cầu phát triển du lịch diễn ra nhanh chóng, yêu cầu trình độ ngoại ngữ, tin học, khoa học, công nghệ và tri thức càng cao đòi hỏi nhà trường phải đáp ứng kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và địa phương.

B.  MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP XÂY DỰNG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG BÃI CHÁY ĐẾN NĂM 2019, TẦM NHÌN 2025

I. Sứ mạng, tầm nhìn

1. Tầm nhìn:

Trường Trung học phổ thông Bãi Cháy là một trong những trường hàng đầu của tỉnh Quảng Ninh, là ngôi trường mà cha mẹ học sinh tín nhiệm, học sinh ưu tiên lựa chọn để học tập và rèn luyện. Cán bộ, giáo viên, nhân viên tự hào, gắn bó, sáng tạo, cống hiến, khát vọng vươn tới một ngôi trường xuất sắc.

  1. Sứ mệnh: 

- Xây dựng một môi trường làm việc nghiêm túc, hiệu quả, đoàn kết. Tạo cơ hội tốt nhất cho cán bộ, giáo viên được tự học, tự rèn, được đào tạo nâng chuẩn, được đảm bảo đời sống vật chất và tình thần.

- Tạo dựng môi trường học tập an toàn, nề nếp, kỷ cương, giàu chất nhân văn, uy tín về chất lượng giáo dục, phát huy năng lực và tư duy sáng tạo để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển.

II. Mục tiêu chiến lược

  1. Mục tiêu chung

Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đáp ứng nguồn nhân lực ngày càng cao cho xã hội, học sinh trường Trung học phổ thông Bãi Cháy cần được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, có niềm tin tiếp tục học cao hơn nữa. Trường trung học phổ thông Bãi Cháy cần phải chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân địa phương.

Xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp, quản lý tốt, dạy tốt, học tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng chuẩn hóa, hiện đại hoá, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, trường Trung học phổ thông Bãi Cháy là một trong số trường tốp đầu của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Trong 5 năm tới, trường Trung học phổ thông Bãi Cháy cần nâng cao chất lượng 05 tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia và 05 tiêu chuẩn về chuẩn chất lượng giáo dục trường phổ thông. Về số lượng, chất lượng cán bộ viên chức, người lao động: phấn đấu số lượng giáo viên trên chuẩn đạt 25 - 30%.

- Tạo sự chuyển biến đáng kể về chất lượng giáo dục phù hợp với nhu cầu địa phương và đất nước. Tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học.

- Cán bộ, giáo viên tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, ngoại ngữ, tin học, đổi mới công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả cơ sở vật chất-thiết bị dạy học.

- Tạo điều kiện tốt nhất để học sinh phát triển toàn diện, đặc biệt là môn ngoại ngữ.

- Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, hiệu quả, phát huy mọi tiềm năng để nâng cao chất lượng giáo dục.

III. Định hướng nhiệm vụ

1. Về quy mô phát triển nhà trường

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị trong trường, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chuyên môn.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đầu tư thích đáng phát triển quy mô học sinh mũi nhọn; nâng cao số lượng học sinh lớp 12 đỗ đại học (khoảng 50% - 55%), đáp ứng nguồn nhân lực địa phương.

- Nâng cao tỉ lệ giáo viên trên chuẩn và đảm bảo tính đồng đều giữa các môn  25-30%.

- Đảm bảo sĩ số 40 học sinh/lớp, ổn định số lớp trong trường.

2. Chất lượng giáo dục

- Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

- Đổi mới công tác quản lý, thực hiện công khai, dân chủ trong trường học. tiến hành dự giờ, thăm lớp, phát động phong trào thi đua quản lý tốt, dạy tốt, học tốt, tổ chức hội giảng, thao giảng, tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Khai thác tối đa các thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm - thực hành.

- Tích cực kiểm tra theo tinh thần cuộc vận động “Hai không”, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

- Học sinh được trang bị học vấn cơ bản, những hiểu biết ban đầu về công nghệ và nghề phổ thông, được học một cách liên tục và hiệu quả ngoại ngữ, có trình độ giao tiếp tốt, đủ tự tin để thi đại học… Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục mũi nhọn.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, tin học hoá quản lý giáo dục, chú trọng khả năng truy cập và xử lý thông tin trên mạng.

- Sự dụng hiệu quả nguồn lực tài chính nhà nước, tăng cường xã hội hoá giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục.

IV. Chương trình hành động

1. Xây dựng và phát triển đội ngũ

 Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn về chất lượng. Có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn khá giỏi, có trình độ tin học, ngoại ngữ cơ bản, có tác phong sư phạm mẫu mực. Đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nhà trường, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

  1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục toàn diện.

Thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển toàn diện, tạo ra nhiều hoạt động trên các lĩnh vực giáo dục để học sinh được phát triển nhân cách trên tất cả các thành tố: Đức - Trí - Thể - Mỹ. Những học sinh có năng khiếu được nuôi dưỡng để phát huy tốt nhất khả năng phát triển, và tất cả học sinh của trường được chuẩn bị tốt về tiềm năng để hoà nhập với cuộc sống lao động cộng đồng sau khi rời ghế nhà trường.

 Đổi mới phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn, nhà trường với xã hội, giúp học sinh có được kỹ năng sống cơ bản.

3. Hoàn thiện việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục

Xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị giáo dục ngày càng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Nâng trình độ cho giáo viên, nhân viên trong việc bảo quản, làm đồ dùng dạy học và sử dụng thiết bị dạy học nhằm đạt hiệu quả cao trong giảng dạy và học tập; gắn lý thuyết với thực hành tạo ra các thế hệ học trò vừa hồng vừa chuyên đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước.

4.Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin

Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giáo dục, xây dựng kho học liệu điện tử, thư viện điện tử... góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học. Động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên tự học và tham gia học các lớp bồi dưỡng cập nhật thường xuyên vào dịp hè và có trình độ tin học A, B trở lên; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên có máy tính nối mạng để làm việc.

5.Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục

 - Phát huy tối đa toàn bộ lực lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên với phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống, năng lực chuyên môn của từng người tham gia vào các hoạt động của nhà trường. Nhà trường cần phải có giải pháp tốt nhất để tập hợp, tạo cơ hội cho mọi thành viên của nhà trường phát huy hết khả năng sáng tạo, đổi mới trong hoạt động xây dựng uy tín của nhà trường.

-  Nguồn tài chính: Từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm; từ nguồn xã hội hóa giáo dục, từ học sinh cũ, các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, doanh nhân, các nhà hảo tâm, các nguồn từ giảng dạy, dịch vụ của nhà trường...

6.Xây dựng uy tín, tạo lòng tin đối với nhân dân

- Xây dựng giữ vững uy tín, lòng tin và sự tín nhiệm của xã hội đối với nhà trường.

- Xác lập sự uy tín, tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo đối với từng cán bộ, giáo viên, nhân viên - “Nhà giáo mẫu mực;” và học sinh - “ Học sinh tích cực”

V. Tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra đánh giá việc thực hiện chiến lược

1. Phổ biến Kế hoạch Chiến lược

-  Tuyên truyền và xác lập nhận thức về tầm quan trọng của kế hoạch Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011-2016, tầm nhìn đến 2025.

-  Kế hoạch Chiến lược được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, cơ quan chủ quản, cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức, cá nhân có quan tâm đến nhà trường.

2. Tổ chức điều hành

 Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch Chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch Chiến lược. Điều chỉnh kế hoạch Chiến lược sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.

3. Lộ trình thực hiện kế hoạch Chiến lược

- Giai đoạn 1 (2014-2015): Thực hiện chuẩn Hiệu trưởng, chuẩn giáo viên, chuẩn học sinh, trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục.

- Giai đoạn 2 (2015-2018): Khẳng định uy tín và hình ảnh nhà trường: “Nhà trường Văn hóa - Nhà giáo Mẫu mực - Học sinh Tích cực” và “Quản lý tốt, dạy tốt, học tốt”.

 - Giai đoạn 3 (2018-2025): Thực hiện tầm nhìn: “Là một trong các trường hàng đầu của tỉnh về kỷ cương và chất lượng giáo dục”.

4. Đối với Hiệu trưởng

Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược với từng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Thành lập Ban kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm, từng giai đoạn, rà soát việc thực hiện kế hoạch sau từng giai đoạn và có sự điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường.

5. Đối với các Phó hiệu trưởng

Theo nhiệm vụ được phân công giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp để thực hiện.

6. Đối với tổ trưởng chuyên môn

 Tổ chức thực hiện kế hoạch trong tổ, kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên. Tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.

  1. Đối với các tổ chức đoàn thể

 Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hăng hái thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong từng năm học, làm tốt công tác tham mưu đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường, đặc biệt là hoạt động giáo dục hướng nghiệp, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa... Xây dựng hoạt động tổ chức của mình cho phù hợp với kế hoạch chung của nhà trường.

  1. Đối với cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên

Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện theo từng học kỳ, năm học. Đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.

      5. Đối với học sinh và cha mẹ học sinh

Không ngừng học tập, tích cực tham gia mọi hoạt động, thực hiện nghiêm nề nếp, kỷ cương, Điều lệ trường trung phổ thông. Thực hiện tốt công tác tuần, tháng, từng kỳ và cả năm học dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tích cực hoạt động tự quản, hoạt động tập thể, xã hội. Tham gia tích cực vào các hoạt động học tập và rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, hội nhập...

Đẩy mạnh các hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh một cách có hiệu quả, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục tạo điều kiện về mọi mặt để học sinh phát triển toàn diện nhân cách.

VI. Một số giải pháp cơ bản

1. Đổi mới quản lý giáo dục

- Xây dựng kế hoạch hằng năm, từng học kỳ, từng tháng phù hợp với điều kiện thực tế của trường và địa phương.

- Triển khai kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc đã đề ra.

-  Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời các hạn chế, thiếu sót.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong quản lý giáo dục.

2. Xây dựng đội ngũ nhà giáo cán bộ quản lý giáo dục

- Đảm bảo 100% cán bộ quản lý có đầy đủ các chứng chỉ, chứng nhận về công tác quản lý,  đủ số lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích thực sự đối với nhà giáo có nhiều thành tích đóng góp cho trường thông qua chế độ đãi ngộ xứng đáng.

3.  Tham mưu cho Sở Giáo dục và Đào tạo, thành phố Hạ Long tạo cơ chế học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn cho toàn bộ lãnh đạo cũng như giáo viên nhà trường.

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 400-CT/TW ngày 15/ 06/ 2004 của Ban Bí thư và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ; xếp loại đánh giá nhà giáo theo đúng quy định và tinh thần của “Hai không”. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giáo viên đến năm 2025.

- Xây dựng “Đề án vị trí việc làm” để chủ động về đội ngũ nhà giáo và có kế hoạch, lộ trình tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.

4. Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học tập

- Hưởng ứng tích cực và triển khai tốt cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Phấn đấu đến năm 2016 có 95% giáo viên sử dụng thành thạo công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học.

- Công khai đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Thường xuyên tổ chức tự đánh giá chất lượng giáo dục, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá ngoài và được công nhận chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 vào năm học 2014-2015.

5. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của các doanh nghiệp, cá nhân và gia đình trong việc phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn.

- Có cơ chế khuyến khích, khen thưởng, tôn vinh các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã đóng góp thích đáng cho nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

- Thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 09/2005NQ-CP của Chính phủ.

- Tham mưu cho ngành, địa phương có cơ chế tác động các doanh nghiệp, phụ huynh học sinh và toàn xã hội tiếp tục ủng hộ các nguồn lực cần thiết để nhà trường thực hiện các mục tiêu giáo dục, hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở vật chất nhà trường.

6. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất

- Hoàn thiện việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm đảm bảo chuẩn hóa các phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, hành chính và thư viện.

- Tham mưu với Sở Giáo dục và Đào tạo để bổ sung bàn, ghế học sinh, bổ sung các thiết bị, đồ dùng dạy học.

- Tích cực tham mưu cho địa phương, ngành và tỉnh Quảng Ninh triển khai dự án xây dựng hệ thống hành lang nối các dãy phòng học.

- Quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học có hiệu quả trong giáo dục và đào tạo.

     7. Hỗ trợ giáo dục đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng được ưu tiên.

Tham mưu với địa phương và Ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ về vật chất cho học sinh thuộc diện chính sách, học sinh đặc biệt khó khăn.

Phát động phong trào quyên góp ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện học tập tốt hơn.

C. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

- Kế hoạch Chiến lược là một văn bản có giá trị định hướng cho sự xây dựng và phát triển giáo dục của nhà trường đúng hướng trong tương lai; giúp cho nhà trường có sự điều chỉnh hợp lý trong kế hoạch hàng năm.

- Kế hoạch Chiến lược còn thể hiện sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường xây dựng cho mình sự uy tín, địa chỉ giáo dục đáng tin cậy.

- Kế hoạch Chiến lược của nhà trường tất nhiên sẽ có sự điều chỉnh và bổ sung. Tuy nhiên, bản kế hoạch chiến lược này là cơ sở nền tảng để nhà trường hoạch định chiến lược phát triển giáo dục cho những giai đoạn tiếp theo một cách bền vững.

II. Kiến nghị:

1. Đối với Tỉnh

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để bổ sung, tu sửa các hạng mục đã xuống cấp.

- Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần.

2. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo

- Đầu tư kinh phí mua sắm bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học cho các phòng thí nghiệm thực hành.

- Sở Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến chỉ đạo về việc dạy và học tiếng Trung ở trường Trung học phổ thông Bãi Cháy để ổn định đội ngũ giáo viên tiếng Trung.

Trường Trung học phổ thông Bãi Cháy kính đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, các Sở, Ban ngành chức năng của tỉnh, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo và giúp đỡ nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững và phát triển trường chuẩn Quốc gia ngày càng có hiệu quả cao hơn, lập thành tích chào mừng 40 năm kỷ niệm thành lập trường.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: